Bị tai nạn giao thông nguy kịch, gọi 115 không nghe máy: Bệnh viện nói gì?

Phía lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi cho rằng thời điểm người dân gọi cấp cứu ca trực không nghe máy do đang cấp cứu cho 5 người khác.

Chiều 18-4, liên quan đến phản ánh của Báo Người Lao Động về vụ tai nạn giao thông xảy ra đêm 17-4 tại tỉnh Quảng Ngãi nhưng khi nhiều người dân gọi vào số cấp cứu (115) để hỗ trợ nạn nhân nhưng không ai nghe máy, ông Huỳnh Giới, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi, cho rằng sở dĩ có việc trên là do ca trực quá tải.

"Qua xác minh ban đầu, thời điểm trên, phòng cấp cứu của Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi có 2 bác sĩ và 6 điều dưỡng đang tiến hành cấp cứu cùng lúc cho 5 bệnh nhân và chuyển bệnh nhân lên các khoa điều trị nên không kịp nghe máy" - ông Giới cho biết.


Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: T.Trực

Cũng theo ông Giới, lâu nay đầu số cấp cứu (115) được đặt tại phòng cấp cứu của Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi nhưng một kíp trực vừa phải xử lý cấp cứu nội viện lẫn ngoại viện như hiện tại đã gây ra nhiều áp lực đối với các y, bác sĩ, dẫn đến tình trạng giải quyết không xuể.

Hiện một kíp trực cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi kéo dài 12 tiếng, gồm 2 bác sĩ và 6 điều dưỡng. Trung bình mỗi ngày đêm, phòng cấp cứu phải tiếp nhận và cấp cứu cho khoảng 120 bệnh nhân. Hầu hết các bệnh nhân này đều trong tình trạng nguy hiểm và cần được chăm sóc y tế nhanh chóng, kịp thời.


Nạn nhân được chuyển qua xe cấp cứu bệnh viện tư nhân. Ảnh: T.Trực

"Khoa cấp cứu lúc nào cũng làm việc với áp lực lớn vì bệnh nhân đến cấp cứu nội viện đông, nhiều lúc chúng tôi phải nhờ lãnh đạo bệnh viện tăng cường y, bác sĩ từ các khoa, phòng khác tới hỗ trợ khi số lượng bệnh nhân cần cấp cứu cùng lúc quá đông. Bệnh nhân đến khoa chủ yếu là bị nặng và cần thực hiện nhiều thao tác chẩn đoán cận lâm sàng, lập hồ sơ bệnh án, nên gần như chúng tôi không còn thời gian để trả lời điện thoại của đầu số 115" - một bác sĩ trực cấp cứu chia sẻ.

Theo ông Huỳnh Giới, với tình trạng như hiện nay, kíp trực vừa phải thực hiện cấp cứu nội viện lẫn ngoại viện là quá sức với các y, bác sĩ. "Qua vụ việc, chúng tôi kiến nghị cần giao cho 2 đơn vị riêng biệt như ở các tỉnh, thành khác thì mới hoàn thành tốt việc cứu người. Việc điều bác sĩ ở khoa đi cấp cứu tại hiện trường như lâu nay lộ rõ những bất cập cần phải giải quyết" - ông Giới nói.


Vì không gọi được cấp cứu, người dân dùng xe cá nhân chở nạn nhân đi bệnh viện. Ảnh: T.Trực

Ông Đặng Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết đã yêu cầu Sở Y tế Quảng Ngãi báo cáo sự việc. "Tuy nhiên, qua sự việc có thể thấy những bất cập cần phải được khắc phục. Không thể để y bác sĩ khoa cấp cứu nhận trách nhiệm cấp cứu ngoại viện. Tỉnh sẽ nghiên cứu thành lập đội cấp cứu chuyên biệt túc trực như các tỉnh thành khác, đảm bảo việc cấp cứu cho bệnh nhân nội viện lẫn ngoại viện thông suốt" - ông Dũng nhấn mạnh.

Trước đó, như Báo Người Lao Động thông tin, lúc 19 giờ tối 17-4, tại đường Hoàng Sa (đoạn qua địa phận xã Tịnh An, TP Quảng Ngãi) xảy ra vụ tai nạn giao thông khiến 1 thanh niên nguy kịch. Khi chứng kiến vụ tai nạn giao thông xảy ra, PV Báo Người Lao Động cùng nhiều người dân đã gọi vào đầu số cấp cứu (115) nhưng không có ai nghe máy. Sau hơn 30 phút gọi xe cứu thương nhưng không được, người dân đã dùng ô tô cá nhân chở người bị nạn đi cấp cứu. Khi đi được một đoạn, xe cứu thương của Bệnh viện đa khoa tư nhân Phúc Hưng tới hiện trường, chở nạn nhân đến Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi nhưng nạn nhân đã tử vong sau đó.

Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)