Đất có chủ quyền bị xâm chiếm, đã có quy định về thẩm quyền giải quyết

Thời gian qua, không ít người dân lo lắng về việc đất có chủ quyền hợp pháp bị xâm hại, trình báo chính quyền địa phương vẫn không được giải quyết kiên quyết, luật quy định ra sao?

Ở NHỜ RỒI TÌM CÁCH “TRANH CHẤP”?

Như trường hợp của ông Mai V.Đ, Mai V.Th, Mai V.Ph, Mai V.T.,… ở tỉnh Tiền Giang gửi đơn yêu cầu chính quyền địa phương xử lý hành vi xâm chiếm đất, xây nhà của người chị gái và những người con trong gia đình. Năm 2021, người chị gái nói trên cho một đơn vị thuê phần đất ngay ngã 4 chợ (vị trí thuộc “đất vàng” ở địa phương) để kinh doanh,… 

Người dân “cầu cứu” đến cơ quan chức năng yêu cầu giải quyết vụ việc theo quy định, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người đã được Nhà nước công nhận chủ sở hữu hợp pháp

Không còn nơi ở, nên người chị gái và những người con liên hệ với em trai (là những người đang đứng tên trên Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất ở gần đó) cất tạm nhà vách ván, mai tôn ở tạm 1,2 năm trong thời gian dành dụm tiền mua nhà khác để ở. Vì nghĩ tình nghĩa anh em, lại biết rõ chị mình và các cháu đã cho thuê phần nhà đất của gia đình để kinh doanh, và nghĩ việc ở tạm cũng chỉ 1,2 năm nên người em trai đồng ý để chị và các cháu cất nhà ở tạm trên diện tích khoảng 200m2 đất. Việc cho ở tạm chỉ nói miệng với nhau, không lập thành văn bản.

Điều 14 Nghị định 91/2019/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Nghị định 04/2022/NĐ-CP)

Đến tháng 8/2023 do có nhu cầu sử dụng phần đất đã cho người chị gái và các cháu ở tạm, nên người em trai nói chị gái tìm nơi ở khác thì xảy ra tranh chấp. Khi ấy người chị gái cùng các con yêu cầu người em trai và gia đình phải cho người chị gái phần đất trên, với lý do từ trước giờ chưa được hưởng tài sản thừa kế của gia đình, dù các anh em trai ai cũng có??? (Điều lạ ở đây là việc phân chia đất đai thừa hưởng từ cha mẹ diễn ra từ gần chục năm về trước, ở thời điểm đó vì sao người chị gái này lại không có ý kiến để cha mẹ phân chia theo yêu cầu?). 

Theo hồ sơ vụ việc, các ông Mai V.Đ, Mai V.Th, Mai V.Ph, Mai V.T.,… được thừa hưởng tài sản thừa kế của cha mẹ, trước khi được phân chia là có sự đồng ý của anh em trong gia đình. Khi lập thủ tục thừa kế, đứng tên trên GCN Quyền sử dụng đất cũng được cơ quan có thẩm quyền ghi rõ là đất thuộc tài sản cá nhân, không phải đất thuộc “hộ gia đình” theo quy định tại điểm 4 Điều 6 Thông tư số: 33/2017/TT-BTNMT sửa đổi, bổ sung Điểm a Khoản 1 Điều 5 Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất như sau: “a) Cá nhân trong nước thì ghi “Ông” (hoặc “Bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân (nếu có), địa chỉ thường trú. Giấy tờ nhân thân là Giấy chứng minh nhân dân thì ghi “CMND số:…”; trường hợp Giấy chứng minh quân đội nhân dân thì ghi “CMQĐ số:…”; trường hợp thẻ Căn cước công dân thì ghi “CCCD số:…”; trường hợp chưa có Giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân thì ghi “Giấy khai sinh số…”.

Hoặc trường hợp của gia đình ông Dương Văn Ngh., ngụ ở xã Khánh Tiến, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, cán bộ lãnh đạo xã Khánh Tân (cũ) đến nhà trình bày hoàn cảnh của bà Huỳnh Thị H. làm việc ở trạm y tế khó khăn về chỗ ở, nên vận động chúng tôi cho bà H. mượn phần diện tích 2.599m2 đất để lưu trú, khi nào xã Khánh Tân (cũ) có diện tích đất mới, giao cho bà H. thì bà H. sẽ trả lại cho cho gia đình ông Ngh… Vì nghĩ bà H. cũng là phụ nữ, một mình nuôi cô con gái gia đình ông Ngh. đồng ý cho bà H. mượn phần đất nói trên để lưu trú ở địa phương… Từ năm 1989 đến nay, rất nhiều lần gia đình ông Ngh. yêu cầu gia đình bà Huỳnh Thị H. giao trả lại phần đất nói trên để các con tôi canh tác nhưng bà H. vẫn ngó lơ, không màng gì đến, cho đến khi bà H. mất thì cô con gái lại làm “giấy tờ” để hợp thức hóa quyền sở hữu phần đất 2.599m2 mà gia đình ông Ngh. đã cho mượn ở (?).

Gia đình ông Dương Văn Ngh. gian nan với việc đòi lại đất cho ở nhờ

LUẬT ĐÃ QUY ĐỊNH RẤT RÕ

Đối chiếu các quy định của pháp luật, theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai: “…Giải thích từ ngữ: Lấn đất là việc người sử dụng đất chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích đất sử dụng mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép hoặc không được người sử dụng hợp pháp diện tích đất bị lấn đó cho phép…”.

Bên cạnh đó, hành vi “Chiếm đất” cũng được nêu rõ ở khoản 2 Điều 3 Nghị định 91/2019/NĐ-CP như sau: “2. Chiếm đất là việc sử dụng đất thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Tự ý sử dụng đất mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép; b) Tự ý sử dụng đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác mà không được tổ chức, cá nhân đó cho phép…”.

Từ các quy định trên, có thể hiểu “Lấn đất” là hành vi trái pháp luật mà người sử dụng đất chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích sử dụng đất khi không được cho phép… “Chiếm đất” là việc người sử dụng đất thực hiện các hành vi như tự ý sử dụng đất không phải thuộc quyền sử dụng của mình khi không được cho phép… 

Điều quan trọng hơn, đối với vụ án hành chính về đất đai, GCN Quyền sử dụng đất được xem là Quyết định hành chính của cơ quan có thẩm quyền và đã có hiệu lực pháp luật theo quy định tại điểm c Khoản 1 Điều 192 Bộ Luật tố tụng Dân sự nên việc xem xét lại quyết định hành chính đã thực thi là khó thuyết phục.

Điều 228 Bộ luật Hình sự 2015

TẠM KẾT

Hành vi lấn chiếm đất đai sẽ bị xử lý theo Điều 14 Nghị định 91/2019/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Nghị định 04/2022/NĐ-CP), có khung hình phạt tiền từ: 2 triệu đến 150 triệu đồng, kèm theo đó là biện pháp khắc phục hậu quả buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm,… Ngoài ra, Điều 228 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về “Tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai” đối với hành vi vi phạm đất đai đã bị xử lý hành chính mà vẫn còn tiếp tục vi phạm, sẽ có mức phạt tiền từ 50 triệu đến 500 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm,…               

                                                               Luật sư Lê Quốc Sơn

                                                               (Đoàn luật sư TP.HCM)