HẠN NGẠCH THUẾ QUAN NHẬP KHẨU ĐƯỜNG CẦN ĐÚNG THỜI ĐIỂM VÀ ĐỦ ĐỊNH MỨC

Ngày 6/9/2021, Bộ Công Thương đã chính ra thông báo về việc tổ chức đấu giá thí điểm hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2021 với tổng lượng 108.000 tấn, thời gian thực hiện dự kiến vào ngày 29/9/2021. Tuy vậy, con số này có phải là định mức phù hợp trước tình trạng thiếu hụt trầm trọng khi nhu cầu tiêu dùng trong nước ước tính là trên 2 triệu tấn/năm, nhưng vụ ép 2020-2021 kết thúc chỉ sản xuất được 689.830 tấn đường.


Ảnh minh hoạ

Đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường – không phải là mới

Khi gia nhập WTO, Việt Nam đã và đang duy trì 4 mặt hàng được áp dụng cơ chế hạn ngạch thuế quan là: trứng gia cầm (HS 0407), muối (HS 2501), đường (HS 1701), lá thuốc lá (HS 2401). Trong đó, đường (HS 1701) luôn là mặt hàng quan trọng và được cân nhắc kỹ trong lộ trình giảm thuế nhập khẩu của các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia, đặc biệt là Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA). 

Các hiệp định thương mại tự do (FTA) không chỉ mở ra cơ hội mà còn là nhiều thách thức đối với sản xuất trong nước. Do đó, cơ chế hạn ngạch thuế quan được ví như “van” điều tiết với mặt hàng nhạy cảm này: ở một chiều là bảo vệ sản xuất trong nước, chiều còn lại là bổ sung nguồn cung cho thị trường khi cần thiết.

Bắt đầu từ năm 2016, Bộ Công Thương đã tổ chức chương trình đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường. Bên cạnh nguồn thu ngân sách lên đến 138 tỉ đồng, thì chương trình còn đem lại lợi ích cho doanh nghiệp cũng như đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước. 

Do nhu cầu trong nước tăng nhanh, trong khi nguồn cung nội địa gặp nhiều khó khăn trong mở rộng, mức hạn ngạch được điều chỉnh tăng theo từng năm. Đến năm 2019, chương trình đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường của Bộ Công Thương có mức hạn ngạch là 98.000 tấn với tỉ lệ 30.000 tấn đường tinh luyện và 68.000 tấn đường thô. 

Liên tục 2 năm 2019 và 2020, Bộ Công Thương tiếp tục tổ chức chương trình đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu hơn 103.000 tấn đường, tuy nhiên không nhận được hồ sơ tham gia đấu giá, do đường nhập khẩu chính ngạch giá rẻ và đường lậu tràn lan. Hội đồng đấu giá thông báo không tổ chức Phiên đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường.

Cần đúng thời điểm, đủ định mức

Theo báo cáo của Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) trong tháng 5 ngành đường Việt Nam kết thúc vụ ép 2020-2021. Lũy kế tổng lượng mía ép hơn 6,7 triệu tấn mía sản xuất được 689.830 tấn đường, trong khi đó sản lượng tiêu thụ trong nước cho tiêu dùng và sản xuất ước tính là trên 2 triệu tấn/năm. Như vậy, đường mía mới chỉ đáp ứng được 35% nhu cầu trong nước. 


Ảnh minh hoạ

Trong bối cảnh thiếu hụt như hiện tại, Bộ NN&PTNT đã đề nghị định mức hạn ngạch thuế quan 2021 là 108.000 tấn đường, trong đó 76.000 tấn đường thô, 32.000 tấn đường tinh luyện. Mức hạn ngạch này trong ngắn hạn sẽ giúp bổ sung nguyên liệu, phát huy hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất trong nước từ đó giải quyết tình trạng hiện tượng thiếu hụt nguồn cung, đội giá cao, bên cạnh đó là nhu cầu đường cho sản xuất thực phẩm các dịp lễ Trung Thu, Tết Nguyên đán lại gia tăng đột biến. Tuy vậy, trong dài hạn, trước tình hình thiếu trầm trọng nguồn cung và nhu cầu sản xuất dự kiến tăng mạnh khi nền kinh tế chuẩn bị chuyển qua trạng thái bình thường mới hậu dịch bệnh covid, thì lượng quota năm 2021 cũng như muối bỏ bể.

Trong thời gian qua, Chính phủ đã có những chính sách quyết liệt kịp thời nhằm hỗ trợ ngành mía đường phù hợp với tình hình mới, trong đó ưu tiên nâng cao năng lực cạnh tranh cốt lõi: phát triển diện tích lớn, cơ giới hoá đồng bộ, kiểm soát xuất nhập khẩu, đấu tranh đường lậu… trên cơ sở hợp tác đa bộ ngành. Song song đó thực hiện lộ trình hội nhập đảm bảo đầy đủ, đúng lộ trình, thực thi hiệu quả các cam kết, phù hợp thông lệ quốc tế, đảm bảo sự bình đẳng, công bằng trong cạnh tranh cũng như lợi ích của tất cả các bên có liên quan.

Không thể phủ nhận những thách thức lớn lao mà toàn cầu hoá đặt ra cho ngành mía đường. Tuy nhiên, “sân chơi lớn” này cũng đem lại cơ hội tận dụng những lợi ích từ thương mại. Do đó, chính ngành mía đường cũng cần đưa ra những giải pháp phù hợp để quyết định vận mệnh và sự phát triển của mình.