Học sinh 'thở phào' nhờ thay đổi điểm bài thi tổ hợp

Tối 27/4, khi đang chuẩn bị đón sinh nhật tuổi 18, điện thoại Nguyễn Ngọc Tùng báo tin nhắn liên tục với cùng nội dung "không lấy một đầu điểm bài thi tổ hợp nữa".

Trên các nhóm chat Zalo, Facebook, bạn bè Tùng đều là học sinh lớp 12, trường THPT Thái Phiên, TP Hải Phòng bàn tán xôn xao. Dụi mắt hai lần, bỏ dở việc thắp nến, Tùng truy cập những tờ báo uy tín nhất để kiểm chứng.

Sau khi xác nhận Bộ Giáo dục và Đào tạo giữ nguyên điểm thành phần của hai bài thi tổ hợp Khoa học xã hội, Khoa học tự nhiên, Tùng vỡ òa sung sướng. "Sự chán nản và áp lực của em mấy ngày qua đã được cởi bỏ. Đây là món quà sinh nhật tuyệt vời nhất của em năm nay", nam sinh chia sẻ.

Tùng theo học khối A00 (Toán, Lý, Hóa) hai năm nay, đặt mục tiêu thi ngành Toán kinh tế của Đại học Kinh tế quốc dân. Với lực học hiện tại, Tùng nhẩm tính có thể đạt 24 điểm ba môn dù Hóa vẫn cần đầu tư thêm. Đại học Kinh tế quốc dân không tổ chức kỳ thi riêng, với phương án chỉ có một đầu điểm cho bài thi tổ hợp như Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố hôm 22/4, Tùng lo trường sẽ lấy điểm của bài Khoa học tự nhiên để xét tuyển. Nếu vậy, em phải gấp rút ôn thêm môn Sinh.

Ba hôm nay, ngày nào Tùng cũng dở đề Sinh của những năm trước hay sách giáo khoa ra rồi gấp vào vì chán nản, "không thể vào đầu". Vì vậy quyết định giữ nguyên ba đầu điểm của bài thi tổ hợp khiến Tùng "trút được gánh nặng". Em cho rằng phương án này tốt nhất cho thí sinh trong một năm học nhiều biến động, giúp em giữ vững tinh thần ôn thi ba tháng sắp tới.

Cùng tâm trạng với Tùng, Trương Thị Thùy Dung, lớp 12 trường THPT Quỳnh Lưu I, tỉnh Nghệ An, "mừng rớt nước mắt" khi Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn lấy ba điểm thành phần của bài thi tổ hợp. "Em vui quá, không biết dùng thêm từ nào để diễn tả tâm trạng bây giờ, cảm giác như trút bỏ được hết sự lo lắng, mệt mỏi ra khỏi đầu", Dung nói.

Dung theo tổ hợp A01 (Toán, Lý, Anh), dự định đăng ký xét tuyển ngành Ngân hàng của một số trường top giữa tại Hà Nội. Những ngày qua, nữ sinh lo lắng đến mất ngủ vì sợ phải học thêm Hóa và Sinh, hai môn em tự nhận đã mất gốc. Được người thân động viên, Linh tính đầu tư thêm Ngữ văn, nếu hợp có thể chuyển sang khối D01 (Toán, Văn, Anh).

Cô gái sinh năm 2002 cho rằng trong ba tháng phải ôn hai môn tự nhiên so với việc học Văn thì lựa chọn thứ hai khả thi hơn. Dù vậy phải học thêm bất kỳ môn nào bây giờ cũng là gánh nặng, có thể khiến cánh cửa đại học khép lại. Nhưng giờ Dung đã an tâm trở lại. Những ngày tới, em sẽ tập trung ôn ba môn trong tổ hợp xét tuyển và đọc lại kiến thức cơ bản của hai môn Hóa, Sinh nhằm xét tốt nghiệp.


Thí sinh dự thi THPT quốc gia năm 2019 tại TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần.

Không giống những học sinh đang học lớp 12, Nguyễn Du, 19 tuổi, ở Hà Nội, cùng lúc giải tỏa được hai nỗi lo. Một là lo bài thi tổ hợp chỉ tính một đầu điểm, khác hoàn toàn kỳ thi THPT quốc gia năm ngoái em tham gia. Hai là lo thí sinh tự do không được tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT mà phải đăng ký xét tuyển đại học theo phương thức khác, tùy từng trường.

Du đang là sinh viên năm nhất một trường đại học ở Hà Nội. Học được hai tháng, nam sinh cảm thấy không phù hợp nên ấp ủ thi lại Đại học Dược Hà Nội, ngôi trường em đăng ký nguyện vọng 1 năm ngoái nhưng bị trượt do thiếu 2 điểm. "Em thiếu điểm do những sai sót ngớ ngẩn. Nếu tích cực ôn luyện, em nghĩ mình sẽ vượt qua chính mình", Du nói.

Du bắt đầu ôn tập trở lại từ tháng 11/2019. Từ Tết Canh Tý, không phải đến trường do ảnh hưởng của Covid-19, Du thành thời gian ôn thi. Em tập trung ôn luyện đề khó, chuyên sâu nhằm chinh phục những câu hỏi mang tính phân hóa, đặt mục tiêu đạt ít nhất 24,5 điểm, bằng mức trúng tuyển vào trường năm ngoái. Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đề thi minh họa, Du càng tự tin.  

Thế nhưng khi phương án thi tốt nghiệp THPT được chấp thuận hôm 22/4 với bài thi tổ hợp lấy một đầu điểm, Du hoang mang, không biết phải ôn thêm môn Sinh kiểu gì cho kịp. Với cách lấy một đầu điểm, chỉ cần một môn yếu, khả năng đỗ trường Dược của Du sẽ thấp đi rất nhiều vì điểm trúng tuyển vào trường cao, lại phải cạnh tranh với đa số thí sinh đang học lớp 12, có điều kiện ôn thi tốt hơn.

Trưa 27/4, báo chí đăng tin thí sinh tự do phải liên hệ với đại học mình muốn đăng ký để tìm hiểu phương thức xét tuyển chứ không nói rõ có được tham gia thi tốt nghiệp THPT hay không do có bằng tốt nghiệp rồi, Du đã nghĩ "không lẽ bỏ không thi nữa" vì không kịp để ôn môn Sinh mà cũng không biết phải liên hệ trường hay xét tuyển bằng hình thức nào.

Nửa ngày bối rối còn chưa tìm ra câu trả lời thì Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo sẽ tách ba đầu điểm bài thi tổ hợp, đồng thời khẳng định thí sinh tự do có thể tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, Du mừng rỡ, lên Facebook "like" tất cả chia sẻ của thầy cô, thí sinh về việc này. Du và các bạn tỏ ra vui mừng trước quyết định của Bộ, sau 5 ngày hoang mang.

Dù đã có thể thở phào vì kỳ thi trở về tương tự năm 2019 dù đổi tên là tốt nghiệp THPT, nhiều thí sinh vẫn đang mong ngóng phương án tuyển sinh chính thức từ các trường đại học. Mai Anh, lớp 12, trường THPT Chu Văn An, TP Hà Nội hy vọng các trường đại học, trong đó có trường em dự định đăng ký xét tuyển là Đại học Ngoại thương, tiếp tục điều chỉnh phương án tuyển sinh, nâng chỉ tiêu xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT.

"Theo phương án gần nhất, Đại học Ngoại thương dành 20% chỉ tiêu xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT. Em mong tỷ lệ này cao hơn để không phải quá lo lắng về kỳ thi đánh giá năng lực do trường phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức", Mai Anh nói.

Chiều 27/4, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ quyết định giữ nguyên ba đầu điểm bài thi Tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội thay vì một đầu điểm như thông báo trước đó. Bộ trưởng Nhạ cũng khẳng định đề thi năm nay giảm bớt những câu hỏi khó, nhưng vẫn đảm bảo xếp loại được học sinh. Những người đã tốt nghiệp THPT từ những năm trước có thể tham dự kỳ thi năm nay (thí sinh tự do) để lấy kết quả xét tuyển đại học.

Trước đó ngày 22/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chấp thuận phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT với mục tiêu chính là xét tốt nghiệp, thay vì thi THPT quốc gia như năm ngoái. Thí sinh THPT phải thi ba bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài thi tự chọn Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội. Thí sinh Giáo dục thường xuyên phải thi hai bài bắt buộc Toán, Ngữ văn và một bài thi tự chọn.

Các bài thi Toán, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội sẽ được ra theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Riêng bài thi Ngữ văn thi theo hình thức tự luận. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ sớm công bố đề tham khảo theo phương án thi tốt nghiệp THPT.

Theo vnexpress.net