Thạc sỹ Nguyễn Hữu Nhơn nếu quan điểm Vấn đề Bảo vệ môi trường và thực trang đáng cảnh báo

Tại Hội thảo khoa học do Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP. Hồ Chí Minh tổ chức. Đề tài khoa học “Tôn giáo với vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái- Lý luận và thực tiễn” của thạc sĩ Nguyễn Hữu Nhơn mang đến đã gây sự quan tâm đặc biệt với các Nhà nghiên cứu, nhà làm chính sách và cả nhà quản lý về môi trường.


Mở đầu bài phát biểu khoa học, thạc sĩ Nguyễn Hữu Nhơn nên quan điểm về Bảo vệ mồi trường. Khi cuộc sống ngày càng phát triển thì nhu cầu cuộc sống của con người ngày càng tăng, mà để đáp ứng những nhu cầu đó con người hiển nhiên sẽ khai thác nguồn lợi từ tự nhiên. Việc tác động đến tự nhiên một cách quá mức tạo ra sự mất cân đối của vạn vật theo đó làm cho môi trường sinh thái bị ô nhiễm về nhiều mặt. Mà một khi môi trường bị ô nhiễm sẽ gây tác hại đến sức khoẻ con người và các sinh vật khác. Do đó chúng ta cần bảo vệ môi trường sinh thái.


Muốn bảo vệ môi trường sinh thái thì không chỉ một người mà làm được, muốn giữ một môi trường sinh thái trong sạch, mà dù là anh hay tôi, dù là một người có Tôn giáo hay không, hoặc theo bất kỳ Tôn giáo nào thì chúng ta đều cần phải chung tay góp sức vì đây chắc chắn là một quá trình dài lâu. Đặc biệt người Tín hữu Đạo Cao Đài như chúng tôi thường có khái niệm chung là: “Con người luôn sống, làm việc và sinh hoạt luôn hướng về thiên nhiên”, mà đức Khổng Tử đã dạy: “Thuận Thiên giả tồn, nghịch giả vong” hay câu “Thuận theo Thiên lý tất hưng thịnh, chống lại Thiên lý tất tiêu vong”, có nghĩa: “Hợp với Đạo Trời (Thiên lý) thì được bền vững lâu dài và khương thịnh, ngược lại Đạo Trời thì sớm hay muộn cũng suy tàn, tận diệt. Ví dụ như: trời mưa thì mặc áo mưa, trời nắng thì cần đội nón, thời tiết lạnh thì ta đắp mền và mặc quần áo ấm, đói thì ta ăn, khát thì ta uống, .... Còn đức Lão Tử để lại: “Nhơn pháp Địa, Địa pháp Thiên, Thiên pháp Đạo, Đạo pháp tự nhiên”, có nghĩa là: “Người noi theo phép tắc của Đất, Đất noi theo phép tắc của Trời, Trời noi theo phép tắc của Đạo, còn Đạo noi theo phép tự nhiên”. Câu chuyện về Đức Thích Ca kể rằng, Đức Thích Ca đã chứng nghiệm bằng chính Long thể của ngài, khi 49 ngày đêm thiền định dưới cội Bồ Đề với thân xác gầy còm, rã rời và tinh thần không còn minh mẫn thì làm sao trở thành đấng Giác Ngộ? Và, một khi đã đủ “duyên” lành, một ngày bỗng nhiên có cô mục nữ thấy được hoàn cảnh của một bậc Thiên Tử, người đã rũ bỏ ngai vàng, điện ngọc, Tam cung Lục viện mà cùng thê tử lo tu hành, chỉ mong đắc Đạo giải thoát kiếp người và cứu độ chúng sanh thoát vòng khổ ải, mà giờ đây thân thể Ngài chỉ còn lại da bọc xương, động lòng thương cảm trước tình cảnh đó cô mục nữ đã đem đến 1 chén sữa cừu để dâng lên cho Ngài uống. Uống xong, thái tử Sỹ Đạt Ta dần phục hồi sức khỏe, thấy thân tâm của mình thoải mái, an nhiên tự tại. Chính nhờ chén sữa ấy, mà Ngài đã tỉnh ngộ, bỏ phương cách ép xác, và tu hành tuân theo luật Tự nhiên của Trời Đất. Sau này, Ngài mới đắc Đạo thành Phật và được mọi người ở cõi trần tôn vinh với danh xưng là “Đức Thế Tôn”, mà rằng “Vạn Linh tức Chí Linh, Thế Tôn là Thiên Tôn” vậy.     


Qua đây ta có thể thấy được rằng con người sống mà không tuân theo Đạo pháp của tự nhiên thì không thể tồn tại được, con người lại là một phần tử của tự nhiên như vậy có thể thấy rằng nếu ta tác động quá mức tới môi trường, khai thác cạn kiệt các tài nguyên, ép buộc môi trường nhận lấy lượng rác thải vượt ra khỏi khả năng thừa nhận của nó, v..v… thì một ngày nào đó môi trường cũng cạn kiệt và suy thoái giống như con người mà thôi. 


Tóm lại, nếu coi con người như là một thế giới tự nhiên thu nhỏ thì việc giữ gìn và bảo vệ môi trường cũng chính là việc bảo vệ sức khoẻ của chính mình, mà muốn có một thân thể khoẻ mạnh thì ta phải giữ cho các chất trong cơ thể ở trạng thái cân bằng, hoà hợp theo quy luật của tự nhiên, quy luật của tạo hoá, và Thượng Đế đã ban cho chúng ta từ sơ khai. Và một khi con người làm việc, học tập, sinh hoạt… một cách thoải mái, tự nhiên và hòa hợp với thiên nhiên, tức là đã bảo vệ môi trường sinh thái.


Vấn nạn và giải pháp nào để tôn giáo cùng bảo vệ môi trường sinh thái

1/ Vấn nạn phá hủy môi trường: 

Như tôi đã nói do nhu cầu cuộc sống con người đang từng bước huỷ hoại thiên nhiên. Thậm chí vì sự tham lam, ích kỷ con người còn sát hại lẫn nhau, nước mạnh xâm chiếm nước yếu để làm tư hữu cho riêng đất nước của mình, cũng vì lợi ích đó mà họ trở nên ác độc và bạo tàn, bất chấp hậu quả nguy nan, tan tóc cho người dân nước nhược tiểu. Bởi vậy, trong phạm vi hẹp Việt Nam chúng ta - Bảo vệ môi trường sinh thái là trách nhiệm của toàn xã hội, của tất cả các vị lãnh đạo đất nước, chính quyền, ban ngành đoàn thể các cấp, các ngành từ trung ương, tỉnh thành đến địa phương, là trách nhiệm chung của tất cả các tôn giáo, hội đoàn và các sắc tộc...


Một số vấn nạn nghiêm trọng góp phần phá huỷ môi trường sinh thái hiện nay:

Nạn phá rừng lấy gỗ, đốt rừng làm nương rẫy, cháy rừng, khai thác cát từ dưới lòng sông lớn, ven biển phá hoại cây xanh đã làm thay đổi môi trường sinh thái, khí hậu thất thường, trái đất nóng lên gây hiệu ứng nhà kính mang lại nhiều hệ quả nặng nề, cây và đất không còn bám vào nhau để trữ nước và sinh ra dưỡng khí, gây lũ quét; lấy cát từ lòng sông để xây dựng, làm xói mòn hai bên bờ sông gây ra nạn sạt lở, đã hủy hoại thiên nhiên một cách tàn khốc. Ở đây, chúng ta muốn đề cập đến trách nhiệm của Quản lý ngành là chính.

2/ Nạn kẹt xe, đất nước ta Dân số đã gần 100 triệu, lượng người ngày càng đông nên việc sử dụng xe máy, cơ giới ngày càng nhiều sẽ càng thải ra các khói bụi, các khí, chất độc hại càng khủng khiếp. Dẫn dụ: Mùa bóng đá vừa qua, đã lãng phí không biết bao nhiêu xăng dầu, tiền của lại đem lại hậu quả xấu cho môi trường sống. Yêu nước vì “Màu cờ, sắc áo” là chính đáng, mọi người đều ủng hộ, nhưng phải làm sao không ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng. Khi bóng đá Việt Nam thắng Thái Lan “1 - 0”, thì nạn kẹt xe có nơi 2, 3 giờ liên tục, khí thải, hơi xăng sống có cả hóa chất độc hại phủ cả vùng, rồi tiếng đập gõ của nồi niêu, xoong chảo, đánh trống và kèn “trum pét” thổi inh ỏi đã tra tấn không chỉ những người bị kẹt xe, mà còn những người sống ở xung quanh từ tinh thần lẫn vật chất, nhất là người già và trẻ nhỏ. Ôi khủng khiếp quá! Chính “khí thải” này là mầm móng gây ra bệnh tật, nhất là lao phổi, ung thư cho con người, khi đó phải chữa trị, phẫu thuật tạo thêm nhiều rác bẩn y tế lại càng nguy hiểm hơn.

 

Ảnh từ Internet lúc 19g00, ngày 22/6/2022

3/ Nạn giao thông và xây dựng, đất ngày càng chật, người càng đông nên con người phải xây thêm nhà cửa, thì đất bị hẹp lại, những con kênh, rạch, sông hồ… mất dần thì khi trời mưa nước không có đủ chỗ trũng mà chảy lấp xuống, tạo nên ngập nước các thành thị. Việc tất nhiên, khi xây dựng là không tránh khỏi khói bụi, cát đá, tạp chất đủ thứ làm ảnh hưởng môi trường sinh thái. Cầu cống và đường xá luôn đi theo với các phương tiện giao thông để phục vụ cho việc giảm nạn kẹt xe, thì cũng chiếm nhiều đất đai ruộng vườn, nên cây xanh ngày cũng mất dần và không sinh ra “dưỡng khí”, trong khi đó các chất thải độc hại thì không ngưng xả ra ngoài tự nhiên. Thỉnh thoảng, chúng ta còn nghe các tàu chở xăng dầu, hóa chất bị đắm chìm ngoài biển, những loại độc hại đó phủ tràn trên mặt đại dương, khiến cho sinh vật biển chết hàng loạt, bốc hơi lên trời thành mây tạo nên những cơn mưa chất độc hại, hầu hết do chính con người vô ý thức gây nên, thì làm sao môi trường sinh thái tốt được?

4/ Nạn xả rác bừa bãi, phóng uế tràn lan từ sự thiếu ý thức và vô trách nhiệm của con người, không riêng gì ở thành thị kể cả nông thôn cứ xả rác bừa bãi, phóng uế tràn lan gây ra vùng môi trường dơ bẩn, hôi hám, nhất là các nơi tập kết rác để trung chuyển, con người đã vô ý thức, không hoàn thành trách nhiệm công dân của mình, không có ý thức giữ gìn một đất nước văn minh, hay một thành phố xanh - sạch - đẹp, để mặc người công nhân vệ sinh ngày đêm vất vả vì việc làm mà mình đã góp phần gây ra hậu quả. Tại các láng giềng châu Á: Thái Lan, Singapore, Đài Loan, … Người dân của họ ý thức trách nhiệm công dân bảo vệ môi trường thật tốt, nên quốc gia của họ, được hưởng bầu không khí trong lành. Đất nước của họ, người dân  gần như ít bị xử phạt vì gây ra ô nhiểm môi trường. Ở Việt Nam chúng ta, có dịp đi tàu du lịch trên dòng sông Sài Gòn hay kênh Bến Nghé, kênh Nhiêu Lộc… chúng ta vẫn thấy rác thải và lục bình trôi lềnh khềnh, vừa mất mỹ quan một thành phố mang tên Bác to nhất nước, và ngay cả thủ đô Hà Nội cũng có các dòng chảy đổ ra hồ Hoàn Kiếm mang theo chất thải độc hại làm cho rùa, cá, sinh vật trong hồ chết hàng loạt, những thực tế này đã cho chúng ta thấy môi trường ô nhiễm gần như khắp cả nước.;      

 

Ảnh từ Internet lúc 20g18, ngày 18/6/2022

5/ Nạn sử dụng hóa chất trong trồng trọt, chăn nuôi gia súc và thủy hải sản, là một vấn nạn cũng vô cùng tệ hại. Người Việt Nam tự hủy hoại chính đồng bào của mình, một nguyên nhân của sự diệt vong, bằng cách giết dần đồng bào của mình thông qua thức ăn, chẳng hạn như người nông dân hay trại nuôi heo, gà… dùng hóa chất thuốc kích thích cho gia súc mau lớn, một khi gia súc lớn bao nhiêu thì trong máu thịt của chúng sẽ độc tố càng nhiều theo, thậm chí có nơi dùng thực phẩm từ nước láng giềng làm thịt heo bằng nhựa và gelatin hay trứng gà, trứng vịt…; hoặc có nơi dùng hóa chất (thuốc tăng trưởng) phun đầy cánh đồng trồng rau, củ, quả … thay vì từ 12 đến 15 ngày thì cây cải, dưa chuột, dưa hấu, xoài, cóc… mới hái bán, thì anh nông dân hám lợi, tham tiền cứ phun xịt thuốc, thì 5, 7 ngày là cắt bán được rồi. Một sự tiếp tay do các thương nhân, người buôn bán vừa và nhỏ, họ chỉ cần phun thuốc bảo quản hoặc loại kích thích tăng trưởng cho trái cây, rau củ quả chỉ cần vài giờ là được thực phẩm chín, tươi và bắt mắt người mua. Bởi vậy, thực phẩm hay thịt cá đều ngấm dính đến hóa chất; còn thủy hải sản cũng không kém phần làm tổn hại đến sức khỏe của cộng đồng khi quy trình bảo quản chưa phù hợp;  

 

Ảnh từ Internet lúc 19g11, ngày 22/6/2022

6/ Nạn các nhà máy, hãng xưởng xả nước thải, khí độc, vấn nạn này là điều cực kỳ nguy hiểm. Mọi người trên thế giới này ai cũng rất cần nước sạch để sinh sống hàng ngày, cho dù nước sông, nước biển hay nước mưa, giếng, ao, hồ, kênh, rạch tùy hoàn cảnh sử dụng. Nhưng nước cần thiết nhất là để ăn uống. Thử nghĩ, nước thải xả từ khu công nghiệp, nhà máy… không qua xử lý hóa chất độc hại thì người dân khi sử dụng có phải đi vào cửa tử hay không? Đất nước ta, vừa trải qua nước thải của Fomosa (Hà Tĩnh), còn chất thải rắn từ nhà máy điện than lạc hậu của (Bình Thuận), và khu công nghiệp quặng bô-xít (Đak Lak) …. Dù chất rắn được chôn dưới đất cũng thẩm thấu mạch nước ngầm, chảy ra ao hồ hay chất lỏng đổ ra sông, rồi người dân cũng phải sử dụng. Trong nước, trong đất, rồi đến bầu khí quyển trong xanh, khi các khu công nghiệp, nhà máy… đến sản xuất thì bầu trời trở nên xám xịt. Bởi vậy, tỷ lệ người Việt Nam bị các bệnh ung thư, lao phổi… hàng đầu các quốc gia trên thế giới. 

 

Ảnh từ một người bạn - Lúc 22g25, ngày 20/6/2022


III.2- Giải pháp để Tôn giáo cùng chung tay bảo vệ môi trường sinh thái

  Hầu hết các Tôn giáo đều có quan điểm chung sống là làm lành lánh dữ, làm việc thiện tránh điều ác…. Bởi vậy, các Tôn giáo đều luôn tuyên truyền ý thức và thực hiện việc bảo vệ môi trường sinh thái trong sạch, xanh tươi và tốt đẹp. Đặc biệt Đạo Cao Đài, hay còn gọi là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ đã không dùng các loại: 

a) Đốt và rải giấy vàng mã cho người khi qui liễu, vì khi đốt những loại giấy kết hợp cây tre, nhựa…, mà người ta tạo ra nhà lầu, xe hơi, tiền đô la rồi đốt cháy gây ra mùi khí thải, có khi bất cẩn gây ra đám cháy càng nguy hiểm hơn; không sử dụng giấy vàng mã khi xe tang đi đường, tạo ra rác rến, làm mất mỹ quan và vất vả cho người công nhân quét đường; 

b) Hương, còn gọi nhang được làm theo nhiều hình thức (nhỏ, vừa, lớn, đại, khoanh vòng…), thắp hương (đốt nhang) là để tâm thành dâng hiến các Đấng: Phật, Tiên, Thánh, Thần hay Cửu Huyền Thất Tổ, Kỵ Giỗ… tại các chùa chiền, lăng tẩm, đình đền, miếu miểu, tịnh thất, tư gia…. Nhưng có một số nơi, người dân còn theo hủ tục nên mỗi lần dự lễ hội, mạnh ai nấy mua nhang thắp tất cả các bàn thờ khói bụi mịt mờ lan tỏa diện rộng, có lúc muốn nghẹt thở vì bụi khí. Đạo Cao Đài không sử dụng nhang như vậy, chỉ dùng ở chừng mực, khuyên người tín hữu thắp “Tâm hương” nên tạo lập “Bàn thờ Vọng” (không có lư hương cắm cây nhang).


Muốn bảo vệ môi trường sinh thái trong lành – Sạch Xanh Đẹp, nhà lãnh đạo các tôn giáo nói chung, Cao Đài giáo nói riêng thường xuyên mở những lớp Sinh hoạt Đạo dạy về Giáo dục Công dân, về Đạo đức và Luân lý học cho tín đồ của Tôn giáo mình. Thường xuyên phân công người có trách nhiệm theo dõi, hỗ trợ, giải thích trong đời sống của từng tín đồ và gia đình của họ; khích lệ, động viên, khen thưởng kịp thời theo gương “Người Tốt - Việc Tốt” ngày càng rộng và sâu hơn, kết hợp giữa Lương và Giáo, thì môi trường sống sẽ có thành quả nhất định.   


IV- Một chu trình khép kín, đồng bộ và thống nhất của toàn xã hội;

Theo thiển ý của tôi, sự kết hợp giữa Lương và Giáo là một điều vô cùng cần thiết, mà UBMTTQVN các cấp đã phối hợp và hành động từ rất lâu. Tuy nhiên, đất nước của chúng ta, xã hội của chúng ta đã có Đảng lãnh đạo và chỉ đạo xuyên suốt đến Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ, mà quan trọng hơn hết là Bộ máy điều hành của Chính phủ. Đây là cơ quan Hành pháp phải thực hiện đúng nghị quyết, chủ trương của Đảng, thi hành đúng chính sách luật định của Quốc hội, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Viêt Nam, là cơ quan trọng yếu có đầy đủ quyền lực, chỉ đạo trực tiếp các bộ ngành: Quân đội và Bộ đội Biên phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Tài chính và Hải quan, Y tế và Phòng dịch, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo… từ trung ương, các tỉnh thành đến địa phương. Đây là một trọng trách to lớn đối với Chính phủ, nếu các Bộ ngành, Tỉnh thành chấp hành tốt chỉ đạo của Chính phủ, thì các vị lãnh đạo đó cần hết lòng vì Dân, vì Nước không buông lỏng, bỏ qua, bao che cho bất cứ doanh nghiệp, công ty, hãng xưởng, tổ hợp… dù của Nhà nước hay của Tư nhân đã làm phá hoại môi trường sống của toàn dân Việt chúng ta. Xin xem lại dẫn chứng: Phần II.1 mục 6/ Nạn các nhà máy, hãng xưởng xả… .

Ở đây, chúng ta cùng nghĩ xem, hàng ngày không biết bao nhiêu ngàn tấn: hàng hóa, đồ chơi trẻ em, lương thực, thực phẩm, rau cải, … chứa đầy hóa chất nhập lậu qua các cửa khẩu biên giới bằng đủ mọi cách từ các nước láng giềng phương Bắc, Tây Nam,… Rau cải thì ngụy trang rau cải của Đà Lạt, lái buôn và thương buôn thì chỉ biết lợi nhuận, mặc kệ dân mình ăn vào bệnh tật, chết chóc; nông dân và thương lái kiếm tiền nhanh nhất thì sử dụng hóa chất độc hại để phun, tiêm vào lương thực, thực phẩm. Nguy hiểm hơn nữa, những tổ chức, cá nhân vô nhân tính đã buôn lậu ma túy đủ loại từ các cửa khẩu sân bay, bến cảng và chốt biên phòng để cung cấp cho các quán bar, vũ trường, … (phóng viên, công an, tổ kiểm tra 814… lúc đi thực địa sẽ thấy nơi đó chứa đầy khí độc hại thải ra vô cùng khó chịu, rùng rợn, là môi trường chết chậm mà nhiều thanh thiếu niên cứ mặc kệ) đã giết chết môi trường sinh thái của đất nước ta, giết chết dần dân tộc ta, để dân tộc ta không còn nhiều người trí tuệ, mạnh khỏe mà giữ gìn giang san gấm vóc của Quốc Tổ Hùng Vương để lại gần 5000 năm Văn hiến. 

Cuối cùng tôi muốn nói rằng, mọi người dân Việt, dù là người có hay không có Tôn giáo hãy đồng lòng hạ quyết tâm cùng sẻ chia gánh nặng khổng lồ của Chính phủ để Bảo vệ môi trường sinh thái Xanh – Sạch – Đẹp của chúng ta, bên cạnh đó chúng ta hãy yên tâm với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Quốc hội, Nhà nước và của Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp các Hội đoàn Tôn giáo, Trí thức và 54 Sắc tộc anh em. 

“Muốn phát huy một tinh thần minh mẫn, một lý tưởng sống Tốt Đời Đẹp Đạo thì cần phải có một thân thể khoẻ mạnh. Muốn xây dựng một xã hội tích cực, phát triển, giàu đẹp và văn minh thì càng cần biết bao một môi trường sinh thái Xanh - Sạch - Đẹp.”