Tổng Giám đốc Vietnam Airlines: 5 năm nữa mới bù được lỗ do dịch COVID-19

“Dự kiến ở quy mô của Vietnam Airlines, với 100 máy bay bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trong năm nay, nếu sau dịch bệnh mà làm ăn tốt, các cơ chế đảm bảo, tối thiểu 5 năm nữa mới bù được khoản lỗ đã phát sinh”, ông Dương Trí Thành, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines nói.


Chiều 16/4, phát biểu tại hội nghị đối thoại của lãnh đạo thành phố Hà Nội với doanh nghiệp trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19, ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, ngay từ khi bùng phát dịch, đơn vị đã tích cực tham gia phòng chống, là đơn vị liên quan trực tiếp theo các chương trình của Đảng, Nhà nước và Hà Nội. 

Sau hai tuần giãn cách xã hội, ông Thành cho biết, lượng khai thác của các hãng hàng không ở Việt Nam chỉ còn khoảng 2 - 5% năng lực. Vietnam Airlines được giao bay nhiều nhất cũng chỉ có 3 đường bay nối Hà Nội - Đà Nẵng - TPHCM. Còn một số đường bay quốc tế chủ yếu là chở hàng y tế, xuất nhập khẩu, đưa công dân nước ngoài hồi hương, đón công dân Việt Nam về nước.

Liên quan đến tác động của dịch bệnh, ông Thành cho biết, vận tải và du lịch đương nhiên chịu tác động đầu tiên. Việc ngừng hoạt động bay cũng là tham gia vào công tác phòng chống dịch. 

"Ảnh hưởng rất lớn và ngay lập tức. Đến thời điểm hiện nay, các hãng hàng không Việt Nam dừng máy bay trên 90%. Nếu ở góc độ toàn cầu, cả thế giới có 21 nghìn máy bay thì dừng 19 nghìn. Trong 100 năm phát triển của ngành hàng không chưa có tình trạng này. Tất cả nền kinh tế lớn toàn cầu đều đóng băng để  chống dịch. Cái này là một khó khăn không có tiền lệ", ông Thành nói.

Theo ông Thành, cách đây 6 tuần, tổ chức hàng không quốc tế đánh giá cả thế giới giảm 113 tỷ đô do ảnh hưởng của COVID-19. Đến cuối tháng 3, khi có tình hình ở Hàn Quốc và Châu Âu thì mất 252 tỷ đô. Đến khi có thêm Mỹ và các nước khác thì ít nhất giảm doanh thu 314 tỷ đô. Trong đó riêng Châu Á Thái Bình Dương mất 113 tỷ. Châu Âu thiệt hại 89 tỷ. Mỹ thiệt hại 64 tỷ.

Việt Nam nằm trong khu vực ảnh hưởng lớn nhất, đi kèm với sản lượng sụt giảm, có tới 95% phi công, tiếp viên, khách sạn, ăn uống, dịch vụ đi theo cũng giảm, thậm chí nhiều nơi đóng cửa toàn bộ, nhiều hãng không hoạt động.

"Đến thời điểm này thì chúng tôi cũng không đặt vấn đề lỗ lãi nữa. Quan trọng nhất là giải pháp hành chính, đặt ra vấn đề phục hồi thế nào mới là quan trọng", ông Thành nói, đồng thời cho rằng, mô hình tăng trưởng sau dịch có là chữ V cân đối hay chữ V nhanh, trước hết giao thông vận tải, dịch vụ phải đi trước, vì thế, hãng vẫn xác định phải "nuôi quân và vượt qua", nên cần nhất là dòng tiền hỗ trợ.

Ông Thành cũng cho biết, trong ngành hàng không, Bộ GTVT, cục Hàng không cũng đã có các giải pháp nội bộ để hỗ trợ. Với các gói giải pháp của Chính phủ như giảm các loại thuế, tạo cơ chế tái cơ cấu nợ, các khoản cho vay, nguồn tài chính... là cần thiết, nhưng quan trọng nhất là tốc độ triển khai. "Điều lo ngại là bị chậm bởi cơ chế của mình", ông Thành nói.

Lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết, với quy mô 100 máy bay, ảnh hưởng đến thời điểm hiện tại, nếu sau dịch bệnh mà làm ăn tốt, có các cơ chế đảm bảo, phải tối thiểu 5 năm nữa mới bù được khoản lỗ đã phát sinh.

"Cho nên với mọi doanh nghiệp, các chính sách hỗ trợ không phải trong thời gian dịch bệnh mà phải đặt vấn đề là trong thời gian ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Có ngành thì ảnh hưởng 1, 2 năm, có ngành thì 5 năm", ông Thành nói.

Vì thế, ông Thành cho rằng, các gói hỗ trợ phải có lộ trình và thứ tự, những ngành nào mang tính chất dẫn đường, mang tính chất cơ bản thì cần được ưu tiên trước. Cũng không nên đặt nặng vấn đề về thành phần kinh tế, vì tất cả đều là của quốc gia. Điều này phụ thuộc vào việc cầm cân nảy mực của các bộ, các địa phương.

Tại cuộc họp, ông Thành nêu hai kiến nghị liên quan đến lĩnh vực của Bộ KH&ĐT. Theo đó, cần giải pháp cấp bách phê duyệt đề án đầu tư máy bay. Ông Thành cho rằng, dù giai đoạn này rất khó khăn, nhưng nếu đầu tư 50 máy bay sẽ là một cơ hội bởi "phần lớn các hãng hàng không lớn trên thế giới đã hủy đơn hàng. Cách đây 2 tháng đặt máy bay thì phải 3 - 4 năm sau mới có, nhưng bây giờ có thể có sớm hơn". Thứ hai là cần giải quyết giúp vướng mắc để đơn vị đầu tư dự án xây dựng nhà ga sửa chữa máy bay ở Nội Bài.

Ông Thành cũng cho rằng, với người lao động của Vietnam Airlines cũng không phải là quá khó khăn. Nhưng số lượng đông (3000 tiếp viên, 1000 phi công), nếu có các chính sách hỗ trợ thì cần tạo điều kiện để chuẩn bị cho giai đoạn tới.

 theo cafebiz.vn