Vụ Bệnh viện FV kiện bệnh nhân: Bệnh nhân 'thông tin một chiều', bệnh viện 'có sai sót'

HĐXX phúc thẩm nhận định bệnh nhân công khai thông tin trên mạng xã hội một chiều; Bệnh viện FV có sai sót khi không chẩn đoán chính xác bệnh lý của bệnh nhân....

Vừa qua, TAND TP.HCM xử phúc thẩm, sửa một phần bản án sơ thẩm đối với vụ kiện dân sự "Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng" giữa nguyên đơn là Công ty TNHH Y tế Viễn Đông Việt Nam (sở hữu Bệnh viện FV, chi nhánh Q.7, TP.HCM) và bị đơn là bà N.T.M.C.

Theo đó, cấp phúc thẩm chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn, buộc bà C. xóa bỏ bài viết “Khi bạn có thai nhưng bệnh viện nói không và cho thuốc phá thai để đẩy dịch ứ” đăng trên Facebook cá nhân của bà C. vào ngày 23.6.2018, cả các bài viết bằng tiếng Việt và tiếng Anh.

Đồng thời, HĐXX phúc thẩm buộc bà C. phải xin lỗi công khai Bệnh viện FV bằng cách đăng lên 3 tờ báo/kỳ, gồm: Báo Thanh Niên, Báo Tuổi Trẻ, và Báo Phụ nữ. Về nội dung xin lỗi, HĐXX phúc thẩm cũng nêu rõ trong bản án.

Buộc bà C. phải bồi thường tổn thất tinh thần do uy tín của Bệnh viện FV bị xâm phạm là 13,9 triệu đồng.

HĐXX không chấp nhận yêu cầu của Bệnh viện FV về việc buộc bà C. phải bồi thường chi phí thuê công ty truyền thông xử lý khủng hoảng truyền thông và chi phí lập vi bằng.

Về các nội dung phản tố của bị đơn là bà C., HĐXX phúc thẩm chấp nhận một phần yêu cầu, buộc Công ty TNHH Y tế Viễn đông Việt Nam bồi thường thiệt hại cho bà C. 9 triệu đồng (là chi phí phát sinh điều trị tại Bệnh viện Từ Dũ) và bồi thường tổn thất về tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm là hơn 69 triệu đồng.

Không chấp nhận yêu cầu phản tố khác còn lại của bà C. khi yêu cầu nguyên đơn xin lỗi, đính chính, xử phạt và các khoản bồi thường với số tiền hơn 110 triệu đồng.

HĐXX phúc thẩm nhận định bị đơn là bà C. đã đăng tải công khai trên mạng xã hội bài viết không đầy đủ thông tin sự việc, theo hướng một chiều, thu hút đông đảo số lượng người đọc và truyền thông dư luận, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Bệnh viện FV.

Bên cạnh đó, cũng có cơ sở xác định Bệnh viện FV có phần sai sót trong khám, điều trị cho bà C., ảnh hưởng đến sức khỏe của bà.

Vì vậy, mỗi bên phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình tương ứng với đối tượng bị xâm phạm và mức độ lỗi theo quy định pháp luật.

Bệnh nhân thông tin không đầy đủ các dữ liệu

Cụ thể, theo cấp phúc thẩm, căn cứ hồ sơ bệnh án và theo kết luận của Hội đồng chuyên môn thuộc Bộ Y tế vào ngày 9.2.2021, có cơ sở xác định trước khi khám tại Bệnh viện FV, bà C. có tiền sử mổ lấy thai 2 lần; trước khi khám tại Bệnh viện FV trong khoảng 1 tháng, bà C. có sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp 2 lần. Trong lần mang thai này, bà C. có tình trạng bệnh lý nguy hiểm.

Đối chiếu với toàn bộ nội dung bài viết của bà C. đăng trên trang mạng Facebook của mình vào ngày 23.6.2018, có nội dung hoàn toàn không đúng với tình trạng mang thai của bà. Bài viết của bà C. thể hiện bà đang mang thai khỏe mạnh, bình thường đã gặp sự cố y khoa khi khám, chữa bệnh tại Bệnh viện FV.

Theo HĐXX phúc thẩm, từ việc bài viết không thể hiện đầy đủ toàn bộ các dữ liệu thông tin, các tình tiết nội dung sự việc đã làm cho người đọc hiểu không đúng bản chất toàn bộ sự việc.

Bài đăng của bà C. đã có hiệu ứng lan truyền mạng xã hội và cả các phương tiện thông tin truyền thông, làm ảnh hướng xấu đến uy tín của Bệnh viện FV. Vì vậy, án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn buộc bị đơn gỡ bỏ bài đã đăng, xin lỗi công khai và bồi thường tổn thất về tinh thần do úy tin bị xâm phạm là có căn cứ.

Tuy nhiên, xét về nội dung, phạm vi việc xin lỗi cần được cấp phúc thẩm sửa án sơ thẩm cho phù hợp với tính chất, mức độ lỗi và phương thức thực hiện phải cụ thể để đảm bảo cho việc thi hành án.

Bệnh viện FV sai sót khi không chẩn đoán chính xác bệnh lý người bệnh 

Về kháng cáo của bị đơn về yêu cầu bồi thường chi phí điều trị tại Bệnh Viện FV, theo HĐXX, căn cứ kết luận Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế, xác định Bệnh viện FV trong lần khám lần đầu vào ngày 19.6.2018, không phát hiện được người bệnh là bà C. có thai tại sẹo mổ cũ, không chẩn đoán được tình trạng có thai của người bệnh, từ đó xử lý không phù hợp. Trong lần nhập viện ngày 20.6.2018, Bệnh viện FV cũng chưa chẩn đoán chính xác bệnh lý của người bệnh là “chửa tại sẹo mổ lấy thai” nên xử lý chưa triệt để”. Sau đó, buộc bà C. phải đến Bệnh viện Từ Dũ điều trị triệt để.

HĐXX đánh giá sai sót trên của Bệnh viện FV trong khám, chữa bệnh cho bà C. đã làm ảnh hưởng đến sức khỏe của bà, nên HĐXX phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của bà C., buộc bệnh viện phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại là khoản chi phí điều trị của bị đơn tại Bệnh viện Từ Dũ và khoản bù đắp tổn thất tinh thần theo luật. 

Ngày 20.10.2019, TAND Q.7 xử sơ thẩm chấp nhận một phần yêu cầu khởi của nguyên đơn, và bác toàn bộ yêu cầu phản tố của bị đơn.

Theo nội dung khởi kiện, sáng 19.6.2018, bà C. đến Bệnh viện FV thăm khám. Bác sĩ (BS) đã thực hiện xét nghiệm thử thai thì thấy kết quả âm tính nhưng có dịch ứ trong lòng tử cung, sau đó cho thuốc Misoprotol nhằm đẩy dịch ứ ra ngoài.

Sau khi uống thuốc, bà C. đi vệ sinh ra máu. Khi khám lại, qua thử nước tiểu, bà C. mang thai. BS kết luận bà C. băng huyết vì xảy thai.

Ngày 23.6.2018, bà C. đã đăng lên Facebook nói rằng bệnh viện cho thuốc phá thai trong khi bà đang có thai… Bài viết này có hơn 3.000 chia sẻ, 104 bình luận tiêu cực.

Cho rằng bài viết của bà C. được lưu truyền rộng trên mạng xã hội với thông tin không đúng, không đầy đủ, gây ảnh hưởng, nên Bệnh viện FV khởi kiện, yêu cầu bà C. xóa bỏ toàn bộ bài viết liên quan vụ việc trên, xin lỗi công khai bằng cách gửi thư xin lỗi ít nhất 3 tờ báo; yêu cầu được bồi thường hơn 1,3 tỉ đồng...

Theo Thanhnien.vn