Đài Loan trình làng nhiều thế hệ máy thông minh tại triển lãm MTA 2018

Đến với triển lãm và hội thảo lần thứ 16 về máy công cụ, cơ khí chính xác và gia công kim loại, vừa diễn ra tại trung tâm hội chợ và triển lãm Sài Gòn (SEEC, quận 7, TPHCM), các doanh nghiệp Đài Loan – Trung Quốc đã giới thiệu hàng loạt thế hệ máy thông minh.

Song song đó, trong khuôn khổ MTA 2018 - Triển lãm và Hội thảo lần thứ 16 về máy công cụ, cơ khí chính xác và gia công kim loại, Hội Xúc tiến Thương mại Đài Loan – Trung Quốc (TAITRA) còn tổ chức buổi gặp mặt giới thiệu và giao lưu giữa các doanh nghiệp Việt Nam với một số doanh nghiệp và Viện nghiên cứu của Đài Loan. 


Nhiều thương hiệu lớn và nổi tiếng của Đài Loan - Trung Quốc tham dự triển lãm MTA 2018

Theo Bà Fang-Miao Lin, Phó Chủ tịch TAITRA và ông Simon Gong - Giám đốc Kinh tế, Văn phòng Văn hóa và Kinh tế Đài Bắc tại TP.HCM, năm 2017, Việt Nam đã nhập đến 106,9 triệu USD máy công cụ Đài Loan và là thị trường nhập khẩu máy lớn thứ 7 của Đài Loan, nổi bật là nhu cầu về máy gia công cơ khí. Hiện tại Đài Loan (Trung Quốc) là nhà cung cấp lớn thứ 4 cho Việt Nam.

Trong xu thế Công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp Đài Loan có chuỗi cung ứng từ linh kiện chủ chốt, mô-đun tự động hóa, đến hệ thống tích hợp. Từ đó cung cấp các giải pháp về tự động hóa, rô-bốt, cảm ứng và điều khiển. Với lợi thế công nghệ, Đài Loan (Trung Quốc) có thể cung cấp giải pháp về bảo trì phòng vệ, kiểm soát từ xa, chẩn đoán thiết bị v.v…

Tại triển lãm năm nay, doanh nghiệp Đài Loan tập trung vào các giải pháp “Sản xuất Thông minh”. Ông Jack Yang, chuyên gia phân tích đến từ Viện nghiên cứu Topology của Đài Loan, trình bày những dự báo tổng quan về hệ thống sản xuất thông minh. Qui mô thị trường của hệ thống này đang tăng mạnh từ năm, từ 225 tỉ USD năm 2017 lên đến 250 tỉ USD năm 2018 và dự báo 320 tỉ USD năm 2020.

Trước tiên, những thiết bị chính xác đang được kết hợp với trí tuệ nhân tạo (AI Technology) để hình thành những chiếc máy thông minh. Tiếp theo, những máy này được kết hợp để tạo ra hệ thống sản xuất thông minh.

Trên cơ sở một trường hợp điển hình về ngành sản xuất linh kiện ôtô của Đài Loan (Trung Quốc), ông Jack Yang hệ thống hóa toàn bộ 5 loại hình sản xuất thông minh, bao gồm: 

        -Giám sát (điều hành thống kê, phát hiện bất thường, kiểm soát chất lượng).

        -Chẩn đoán (chẩn đoán chất lượng sản phẩm và vật liệu, chẩn đoán nhiễu).

        -Điều khiển (Điều khiển qui trình động, điểu khiển chu trình kín).

        -Hiển thị (các chỉ số, nguyên nhân lỗi, hành động xử lý).

        -Dự báo kết quả (thiết bị và hệ thống số và dự báo hiệu quả (quá trình và năng lượng).

Theo nhận định của Viện, sản xuất thông minh là nền tảng để tạo ra năng lực cạnh tranh khác biệt của những ngành công nghiệp trị giá ngàn tỉ USD, bao gồm: hàng không, bán dẫn, máy móc, kim khí, IT, viễn thông, năng lượng, thực phẩm, dệt may…


Quang cảnh buổi gặp mặt giới thiệu thế hệ máy thông minh và giao lưu giữa các doanh nghiệp Việt Nam với một số doanh nghiệp và Viện nghiên cứu của Đài Loan – Trung Quốc

Tập đoàn công nghệ Hiwin là một ví dụ điển hình về công nghệ sản xuất toàn cầu. Tuy mới thành lập năm 1997, đến nay Hiwin đã có nhà máy và phòng thí nhiệm ở khắp thế giới như: Israel, Moscow và St. Petersbourg (Nga), Offenburg (Đức), Chicago và Silicon Valley (Mỹ), Tokyo và Kobe (Nhật), Hàn Quốc, Ý, Thụy Sĩ, Anh, Pháp, Singapore…

Thế mạnh nổi trội của Hiwin cung cấp hệ thống sản xuất thông minh trên toàn cầu về Motion & Control (gồm những thành phần quan trọng của sản xuất thông minh như trục vít, đường dẫn, và robot.). Hiwin dẫn đầu về nghiên cứu phát triển điều khiển chuyển động và sản xuất hệ thống công nghệ. Điều đó đã giúp cho Hwin trở thành nhà cung cấp sản phẩm điều khiển và chuyển động ưu việt nhất hiện nay.  

Những thành tự công nghệ cao của Hiwin có thể kể đến chiếc máy in 3D đầu tiên hoạt động trong vũ trụ, dùng trên tàu của SpaceX năm 2014, hoặc chiếc máy tạo khuôn răng chính xác cho ngành nha khoa. 

Hệ thống sản xuất thông minh cũng là điểm nhấn của tập đoàn Tongtai (TTGroup). Ngoài trụ sở chính tại Đài Loan (Trung Quốc), họ có các nhà máy tại Úc và Pháp chuyên cung cấp thiết bị, công nghệ, dịch vụ đến giải pháp tổng thể trong ngành xe hơi, hàng không, kim khí, năng lượng, và y sinh học.

Tuy nổi tiếng thế giới về máy cắt CNC và thiết bị in bo mạch điện tử, nhưng tại triển lãm MTA 2018, TTGroup lại giới thiệu hệ thống điều hành sản xuất thông minh, với tên gọi “Tongtai Intelligent Management System” (TIMS) và “Tongtai Line Management” (TLM), thông qua ứng dụng IoT, robotics, big data and lean management.

Chỉ với điện thoại di động, người quản lý có thể điều hành theo thời gian thực toàn bộ các bộ phận, xác định và xử lý điểm nghẽn, để nâng cao hiệu quả thiết bị (OEE - Overall Equipment Effectiveness). Đặc biệt, hệ thống in laser của TTGroup đã kết hợp các chức năng tái tạo bộ phận, xử lý bề mặt, và tạo hình 3D. 

Ví dụ như quá trình dùng khuôn để đúc cánh quạt, trước đây phải mất 4 tuần, thì hệ thống in 3D của TTGroup hiện nay có thể hoàn tất chỉ trong vòng 5 ngày.

Takisawa Technology chuyên về sản xuất các linh kiện bao gồm bộ điều khiển và hệ thống truyền động, cũng như các bộ phận khác cho các hãng xe lớn như Honda, Ford, Peugeot, Fiat… cũng như cho đến các hãng thiết bị Denso và KYB của Nhật, SEAT của Tây Ban Nha, hay Valeo của Pháp.

Đến với MTA 2018, Takisawa giới thiệu hệ thống điều hành sản xuất thông minh (Takisawa intelligent Manufacturing Executive System) ứng dụng MES và IoT. Hãng cung cấp giải pháp qua điện thoại đi động để kiểm soát và phân tích hoạt động của từng bộ phận đến tổng thể nhà máy, cũng như phân tích từ nhập liệu đầu vào đến tồn kho đầu ra của nhà máy.

Nguồn: tạp chí New LifeStyle