Thạc sĩ, biên tập Nguyễn Hữu Nhơn “Người góp phần thành công tại Hội thảo Khoa học đạo Cao Đài ở Việt Nam hiện nay qua bài phát biểu rất giá trị.

Vừa qua tại Thành phố Cần Thơ trong “Hội thảo Khoa học đạo Cao Đài ở Việt Nam hiện nay, thạc sĩ Nguyễn Hữu Nhơn đã có bài phát biểu chia sẻ về “Thực trạng đạo Cao Đài giai đoạn 1902-1926 và góp ý chính sách tại Hội thảo Khoa học được đánh giá cao.

Tại Hội thảo Khoa học, thạc sĩ Nguyễn Hưu Nhơn phát biểu: Kính thưa, Chủ tọa đoàn, các nhà khoa học, Chức sắc các Hội Thánh Cao Đài và Tổ chức độc lập trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.

Kính thưa hội nghị, trong thực tế, sau khi đi ngược dòng lịch sử, tôi nhận thấy thời kỳ ban đầu của nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ từ năm 1902 đến năm 1926, nên tạm phân chia thành các giai đoạn, như sau: GĐ I (1902-1907), GĐ II (1908-1918), GĐ III (1919-1924), GĐ IV (1924-1925) và GĐ V (1925-1926).

Xuất phát từ thời điểm năm 1899, khi ngài Ngô Văn Chiêu làm việc ở Sở Tân đáo Sài Gòn, ngài đã hiểu biết về việc cầu cơ (cơ Loan) theo cách phò cơ của Thần linh học Đạo giáo (đạo Lão) nhờ vào một nhân viên thuộc quyền trong sở làm của mình. Song, nghiên cứu theo khoa học lịch sử đòi hỏi cần có bằng chứng cụ thể, chúng tôi căn cứ vào các tài liệu sau: 

1/ “Thanh tra Vụ Chánh trị và Bản địa gởi Thống đốc Nam kỳ tại Sài Gòn”, ngày 09/03/1927.

2/ “Báo cáo điều tra” của Thanh tra La Laurette, ngày 15/5/1931:

3/ Lịch sử Đạo Cao Đài của Gariel Gobron, năm 1948, nhà in Dervy, số 40, rue de la Trémoillie, Paris, trang 27. 

Cả ba tài liệu kể trên, đều nhất trí với nhau về luận điểm: Năm 1902, ngài Ngô Văn Chiêu có dịp hiểu biết về việc cầu cơ khi ngài đi xin thuốc trị bệnh cho mẹ mình thì Thần linh đã chỉ bảo ngài sau này có sứ mạng với một tôn giáo và khuyến khích ông sớm theo Đạo. Bên cạnh nhiều tài liệu tiếng Pháp, còn có các quyển sách Việt ngữ Lịch sử quan phủ Ngô Văn Chiêu (1878-1932) của đạo Cao Đài của Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi xuất bản từ 1954, 1962, 2007 cũng đều có ghi chép và thống nhất với chúng tôi ở quan điểm ngài Ngô Văn Chiêu đã biết về cầu cơ chính thức vào năm 1902. Ngoài ra, một số tác giả khác cũng có quan điểm của riêng mình về thời điểm ngài Ngô Văn Chiêu biết đến cầu cơ chẳng hạn như: năm 1919 ở Tân An, năm 1920 ở Hà Tiên, năm 1921 ở Phú Quốc và năm 1924 tại Sài Gòn; chúng tôi cho rằng các quan điểm này chưa hợp lý vì đã bỏ qua đến khoảng thời gian gần 20 năm (1902-1920).

Năm 1907 (DL), Khi ông Ngô Văn Chiêu làm chủ quận Tân An được một thời gian, mẹ của ông lại lâm trọng bệnh, ông đến đàn Hiệp Minh , Cái Khế để thỉnh xin thuốc chữa bệnh cho mẹ. Đây là một đàn tiên ở ngoại ô Châu Thành, Cần Thơ của ông Phạm Văn Ngưu (Mục Ngưu) từ đàn Ô Môn đem về. Hôm ấy, ông mặc thường phục, quần trắng áo dài đen, đến trễ, nên đứng bên ngoài. Ơn Trên giáng cơ gọi tên ông vào, bảo ông phải ăn chay. Ông Chiêu bạch: “Tôi xuống cầu xin thuốc cho mẹ chứ tôi không có ý gì khác”. Ơn Trên bảo, hễ ông ăn chay thì bà mẹ hết bệnh và cho bài Trường thiên, mà sau này trở thành Bài cầu cơ của toàn đạo Cao Đài.

Kính thưa quý vị, trong sách sử đạo Cao Đài không có tài liệu nào nói ngài Ngô thành lập Cao Đài Chiếu Minh, nhận định cho rằng ngài Ngô thành lập Cao Đài Chiếu Minh không có chứng cứ thực tế. Ngày 14/3 Bính Dần (15/4/1926), ngài không nhận chức Giáo tông, tại thời điểm đó chưa có khai Đạo nơi Chính phủ ngày 23/8 Bính Dần (29/9/1926), mà cơ đạo Chiếu Minh đã có trước Lễ ra mắt Giáo phái Cao Đài ngày 14/10 Bính Dần (18/11/1926). Thực ra, chỉ có Ngày lễ khánh thành Từ Lâm tự kết hợp với các Chức sắc được phong Giáo phẩm, Thiên tước vào ngày 14/3 Bính Dần đến ngày 13/10 Bính Dần, nên “Cao Đài Chiếu Minh” đã có trước, chứ không phải tách ra từ Tòa Thánh Tây Ninh. Kể từ sau khi ngài Ngô quy tiên (1932), từ đó các đệ tử của ngài tự đặt tên là “Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi”, việc này là do chính họ tự khai lập nên.

Ngày 30/7/1924, ngài Ngô về Sài Gòn làm việc chung với các ngài Vương Quan Kỳ và Nguyễn Hữu Đắc ở dinh Thống đốc Nam Kỳ. Vào những lúc rảnh rỗi các quý ngài hội tụ với nhau bàn về việc cơ bút (phò cơ Loan). Vào mùa thu năm Giáp Tý (1924), ngài Ngô đã tự vẽ “Thiên Nhãn” và trao truyền lại cho ngài Kỳ. Chính tư gia của ngài Kỳ là Ngôi Thiên bàn đầu tiên của đạo Cao Đài tại Sài Gòn, mở đầu cho Cơ Phổ độ đầu tiên: Chiêu - Kỳ - Đắc” gọi là nhóm thứ nhất , còn các ngài Cư - Tắc - Sang là nhóm Phổ độ thứ hai , phải đến hơn 15 tháng sau (7/1925-10/1926), mới bắt đầu làm quen với việc “xây bàn”. Còn ngài Lê Văn Trung, đã từng được ngài Nguyễn Hữu Đắc hướng dẫn vào đàn Chợ Gạo ở Chợ Lớn và từ đó ngài Trung đã biết việc cầu cơ, chứ không phải là sau này mới biết với nhóm xây bàn. Do vậy, nhiều quyển sách trong đạo Cao Đài, của tác giả Cao Đài: Hiền tài Nguyễn Văn Hồng, Hiền tài Trần Văn Rạng hay Trưởng huynh Đồng Tân,… có nhiều điều tự mâu thuẫn với chính mình và không thống nhất với một số sách khác. Trên cơ sở khoa học, chúng tôi không thể hoàn toàn tin tưởng vào những tài liệu trong nội bộ đạo Cao Đài, dù các quyển sách ấy hiển nhiên cũng có những điều đúng, tốt và có giá trị nhất định. 

Một điều mà chúng tôi muốn nhấn mạnh từ năm 1907 đến 1921, ngài Ngô Văn Chiêu đã tạo dựng ra những nhóm đồng tử có độ tuổi từ 14-15 để sử dụng Ngọc cơ. Cũng trong giai đoạn này, ngài Ngô đã yêu cầu những người đến dự hầu đàn bắt đầu ăn chay. Và mỗi lần có lập đàn cơ thì phải đọc Bài cầu cơ, Bài Thỉnh Tiên, Bài Mừng Tiên, Bài Đưa Tiên, không phải là thú vui tiêu khiển giải trí, khác hoàn toàn với những người muốn tìm hiểu cõi vô hình qua những vong hồn mà trong quá trình tham gia không cần phải ăn chay và đọc kinh.

Tới 23 năm sau tính từ sự kiện năm 1902 đến năm 1925 (ngày 6/6 Ất Sửu), nhóm thư ký tại Sài Gòn đầu tiên là ngài Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, Cao Hoài Sang mới bắt đầu tìm hiểu về Thông linh học từ Allan Kardec hay Thông thiên học mà các ngài mới biết việc xây bàn hay chiếc bàn gõ (table frappante). Nói thêm về cách xây bàn thì một cái bàn có 4 chân, một 1 chân dùng để gõ từng nhịp, nhịp bao nhiêu cái thì quy đổi ra 1 chữ tương ứng, khi xong một bài thơ hoặc một đoạn văn phải mất cả buổi, trong khi việc cầu cơ phải được ổn định, thanh tịnh thì Chư Thiên về giáng dạy rất nhanh, chỉ khoảng 3-5 phút là đã có một bài thơ... Đến đây, tôi muốn phản biện khoa học là Cơ Phổ Độ đầu tiên ở tại Sài Gòn, chính là do nhóm Chiêu - Kỳ - Đắc. Một thời gian sau ngài Đắc trở về hành đạo tại Minh Lý Thánh Hội, ngài Trung thay thế vị trí của ngài Đắc tiếp tục việc phổ độ, việc phổ độ này được Đức Cao Đài dạy trong Bài Thánh thi  vào ngày mùng 8 tháng Giêng năm Bính Dần (vía Đức Chí Tôn) tại nhà ngài Kỳ số 80 đường La Grandière, Sài Gòn.

Và cụ thể hơn nữa, qua sự hướng dẫn của ngài Vương Quan Kỳ cho ngài Lê Văn Trung và nhóm xây bàn gồm quý ngài Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc,… theo lệnh của Đức Cao Đài mới hội đủ duyên lành để đến gặp ngài Ngô Văn Chiêu, và họ đã được trao truyền cách thờ phượng “Thiên Nhãn”, mà toàn thể người trong nền Đạo đều phải thờ Thánh tượng trân quý ấy. Một khi tôi nói lên điều này, hầu hết các sách sử của các tác giả Cao Đài đã cắt xén hay suy luận để làm theo ý mình, mà không có đủ chứng cứ, tài liệu khoa học hoặc cố tình quên đi Thánh ý của Đức Thượng Đế, thì lịch sử nền Đạo của Trời  sẽ bị sai lệch đi, không còn là Chánh sử của đạo Cao Đài nữa.

Đến đây, tôi xin mạn phép lý giải về vấn đề không phải là chỉ có 245 người, là tín đồ, mà thực chất trong số 245 người đó có người là tín đồ nhập môn tại Thánh thất Cầu Kho, có vị là Chức sắc được Thiên phong, Thiên tước từ ngày Rằm tháng 3 Bính Dần đến ngày Rằm tháng 8 Bính Dần (1926) và có cả những Đạo tâm có thiện cảm với đạo Cao Đài.


Đồng thời tôi xin bác bỏ một số quan điểm mang tính chất suy luận vô căn cứ từ Thánh Ngôn Hiệp tuyển 1928, 1969, 1970,… Thánh giáo Đức Cao Đài dạy vào ngày 13/8 Bính Dần (19/9/1926), hoàn toàn không đề cập gì đến Khai Minh Đại Đạo hay khai Đạo và càng không đề cập gì đến Thánh lệnh tổ chức lễ Khai Minh Đại Đạo. Trong các quyển sách của Cao Đài Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi, ngài Ngô có dạy: “23/8 là Khai Đạo với Chính phủ về Cơ Phổ hóa”; còn ngày 14/10 Bính Dần là Ngày khai Đạo hồi nào và ở đâu?, ngài Ngô chỉ nhắc đến việc “Quỷ nhập tràng” quấy phá trong ngày 14/10, chứ không hề đề cập đến việc khai Đạo gì cả. 

Chúng tôi xin nêu ra đây một số luận cứ cụ thể góp phần làm sáng tỏ hơn về Ngày Khai Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ 23/8 Bính Dần (thứ tư, 29/9/1926) như sau: Thứ nhất, ngày 16/8 Bính Dần (22/9/1926), Đức Cao Đài dạy: “Trung, Lịch, hai con phải làm hội chư Thánh mà xin khai Đạo. Phải làm đơn mà dâng cho Thầy xem xét sửa trước nghe!” . Đây là Thánh ý, mà cũng là 1 trong 20 lời Tiên tri đạo Cao Đài sẽ ra đời vào thời kỳ Hạ ngươn mạt pháp.

Tiếp nối trong dòng chảy thời gian, Đức Chí Tôn lại dạy ngài Đoàn Văn Bản phải họp bàn với ngài Nguyễn Văn Tường để tư gia ngài Tường trở thành nơi Đại hội đầu tiên thành lập nền đạo Cao Đài; ngay cả ngài Lê Văn Trung cũng hoàn toàn không biết về việc khai Đạo, nhưng rồi Đức Chí Tôn bảo Chư vị Tiền khai phải tập trung tại 237 bis, đường Galliéni, Sài Gòn vào đúng ngày 23/8 Bính Dần để soạn thảo toàn bộ việc khai Đạo nơi Chính phủ, hiện diện có 245 vị (mà đại diện là 28 vị Tiền bối) cùng đứng và ký tên gọi là Sổ tịch Đạo. Văn kiện khai Đạo được căn cứ theo một Luận chứng Kinh tế Kỹ thuật phải hội đủ những điều kiện để thành lập một nền tân tôn giáo: thứ nhất là, Ban lãnh đạo và nguồn nhân sự; thứ hai là, địa điểm cụ thể là tư gia một sĩ quan bảo vệ pháp luật; thứ ba là, nội dung chính gồm sự chào đời (ra đời) của tân tôn giáo mệnh danh là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là do thiên ý; thứ tư là, một bản sao lục Thánh Ngôn của Đức Cao Đài; thứ năm là, một bản phiên dịch của vài đoạn Thánh kinh mà Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế đã dạy; thứ sáu là, nhân dân sẽ được dìu dắt đến một kỷ nguyên mới , đẹp đẽ, khó mà tả ra cho đặng, tức là bắt đầu Đạo lịch năm đầu tiên cho một nền tân tôn giáo; thứ bảy là, nhân danh một số đông (245 vị) người Việt Nam đã công nhận sở hành của chúng tôi và đã ký tên vào tờ tịch Đạo, tức là chịu trách nhiệm trước Chính phủ. Hầu hết các kinh sách Cao Đài và tài liệu của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia đều có toàn bộ văn kiện khai Đạo này.

Tám ngày sau buổi đại hội đầu tiên diễn ra vào ngày 23/8 Bính Dần, tức vào ngày 01/9 Bính Dần (07/10/1926) các vị Tiền khai đã đến dinh Thống đốc Nam kỳ gặp Le Fol trình báo (đăng ký) để được sự chấp thuận của Chính phủ Thuộc địa. Nội dung Bản tuyên ngôn Khai Đạo đã được ngài Đầu sư Lê Văn Trung chỉ đạo cho ngài Cao Quỳnh Cư viết lại thành Phổ cáo chúng sanh. Theo Báo cáo điều tra của Chính phủ Thuộc địa thì đây chính là tờ Tuyên bố, mà ngài Lê Bá Trang dựa vào văn bản này đã dám cam kết với Chính phủ, nếu vi phạm pháp luật Nhà nước đương thời sẽ chấp nhận tử tội .  

Trước khi kết thúc lời phát biểu hôm nay, tôi xin nói thêm về ngày 14-15/10 Bính Dần (18-19/11/1926) là lễ “Đăng quang” hay “Ra mắt”  Giáo phái Cao Đài. Vì tại thời điểm đó, một Hội thánh thì phải có đầy đủ: Đạo luật, Hiến chương và Bộ máy nhân sự hoàn chỉnh, phải có người chịu trách nhiệm trước Chính quyền. Mà các tác giả là Tiền bối, Tiền hiền của đạo Cao Đài đều xác nhận: “Lễ khai Thánh thất” tức là lễ khánh thành Từ Lâm tự trùng dụng với lễ bái mạng hay lễ tấn tôn hoặc lễ tấn phong các vị Tiền bối có chức sắc mà thôi. 

Tóm lại, trong đạo Cao Đài không thể có hai ngày khai Đạo. Duy nhất chỉ có Ngày Khai Đạo 23/8 Bính Dần (thứ tư, 29/9/1926) tại Thánh thất Cầu Kho mà nay là Nam Thành Thánh thất đều tổ chức kỷ niệm Lễ khai Đạo và tuyên bố Đạo lịch hằng năm. Đó chính là bằng chứng lịch sử cụ thế, xác đáng chứng minh rằng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ do Giáo chủ Vô Vi là Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế giao cho 28 vị là Thiên sứ của ngài, có nhân tướng ở trần gian, là tập thể thay mặt ngài thành lập nền Đạo.

Chánh Hội Trưởng Nam Thành Thánh thất

Biên tập Báo chí -ThS. Nguyễn Hữu Nhơn (Chí Đạt).

Thành phần Đại biểu tham dự: 

* Về phía đại biểu các nhà nghiên cứu ở Hà Nội

- PGS, TS. Chu Văn Tuấn : Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Tôn giáo

- PGS, TS Nguyễn Hồng Dương : Nguyên Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Tôn giáo

- PGS, TS. Nguyễn Thanh Xuân : Nguyên Phó ban, Ban Tôn giáo Chính phủ

- TS. Nguyễn Thị Quế Hương : Chủ nhiệm đề tài, Trưởng đoàn công tác, cùng các thành viên đoàn tại Cần Thơ.

* Về phía đại biểu các nhà quản lý tại Cần Thơ và một số tỉnh lân cận

- Ông Nguyễn Thanh Kiệt : Trưởng ban, Ban Tôn giáo thành phố Cần Thơ

- Ông Đoàn Văn Hiếu : Phó Trưởng ban, Ban Tôn giáo thành phố Cần Thơ

- Ông Đinh Trung Trực : Phó Chủ tịch, MTTQVN TP Cần Thơ

- Ông Nguyễn Hồng Quân : Trưởng ban, Ban Tôn giáo tỉnh Bến Tre

- Ông Trần Văn Khuê : Phó Trưởng ban, Ban Tôn giáo tỉnh Tiền Giang

- ……………

* Về phía đại biểu đại diện các Tổ chức của đạo Cao Đài

- Đầu sư Thái Tăng Tinh : Hội Thánh Cao Đài Minh Chân Đạo (Cà Mau)

- Bảo pháp Lữ Minh Châu : Hội Thánh Cao Đài Ban Chỉnh Đạo (Bến Tre)

- Chánh PS Thượng Phong Thanh : Hội Thánh Cao Đài Tiên Thiên (Bến Tre)

- Chánh PS Tế Nhơn Bảo Quân : Giáo Hội Cao Đài Việt Nam - Bình Đức (Tiền Giang)

- GS. Ngọc Việt Thanh : Hội Thánh Cao Đài Chiếu Minh - Long Châu (Hậu Giang)

- Đạo huynh Hà Phú Ngạch  : Trưởng ban, Ban đại diện Cao Đài Thượng Đế (Cần Thơ)

- Giáo sư Hồng Vân : Hội Thánh Cao Đài Truyền Giáo (Đà Nẵng) tại TP. HCM 

- ThS. Tạ Văn Hoài Thanh : Hội Thánh Cao Đài Bạch Y Liên Đoàn Chơn Lý (Kiên Giang)

- PS Thượng Vân Thanh : Ban đại diện Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh tại Tp. Cần Thơ

- Đạo huynh Minh Thế : Pháp môn Cao Đài Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi (Cần Thơ)

- TS. Võ Phương Trúc : Cơ Quan Phổ thông Giáo lý Đại Đạo (Ban Sử Đạo)

- Hai người tham dự (không ghi tên) : Hội Thánh Cao Đài Chơn Lý (Tiền Giang)