Trao quyền tự chủ cho nhân viên, thế nào là hiệu quả?

Trao quyền tự chủ cho nhân viên giúp người quản lý giảm bớt gánh nặng khi phải ôm đồm quá nhiều trách nhiệm ở công ty, đồng thời cũng là cách khích lệ nhân viên, khiến họ làm việc chủ động, nhiệt tình hơn và trung thành hơn với tổ chức. Nhưng trao quyền như thế nào cho đúng không phải là vấn đề đơn giản. Theo chia sẻ từ Trưởng Phòng Nhân sự CareerLink, một số nguyên tắc sau sẽ giúp người lãnh đạo trao quyền cho nhân viên một cách hiệu quả, đem lại lợi ích cho các cá nhân liên quan và doanh nghiệp. Bạn cùng tham khảo nhé!

Tìm việc nhanh và hiệu quả tại careerlink.vn

Thể hiện tốt vai trò quản lý 

Muốn trao quyền cho nhân viên của mình, trước hết bạn phải là tấm gương tốt cho cấp dưới. Nếu họ không tôn trọng bạn, hoặc nghĩ bạn thiếu năng lực thì việc trao quyền khó đem lại hiệu quả mong muốn. Bởi không loại trừ khả năng họ cho rằng bạn lười biếng, chỉ muốn thoái thác bớt trách nhiệm vì không gánh vác được. Do vậy, bạn phải thể hiện được tư cách, vai trò của người đứng đầu tổ chức như chịu trách nhiệm về những gì bạn nói và làm, lắng nghe và tôn trọng nhân viên, công bằng trong cách ứng xử và đánh giá cấp dưới, ủy thác nhiệm vụ rõ ràng đúng người đúng việc… Khi đó, nhân viên sẽ “tâm phục khẩu phục” khi được trao quyền tự chủ từ bạn. 

Đặt câu hỏi và lắng nghe nhân viên

Trao quyền nghĩa là thay vì đưa ra quyết định, hướng giải quyết công việc, bạn sẽ phải khuyến khích nhân viên tự tìm giải pháp. Bạn có thể đặt các câu hỏi và đừng quên chú ý lắng nghe họ. Hãy hỏi cấp dưới của bạn, trong trường hợp cụ thể, theo họ vấn đề đặt ra là gì, nên làm gì, giải quyết thế nào? Khích lệ nhân viên để họ suy nghĩ độc lập bằng cách lắng nghe mà không phán xét. Nếu ý kiến của họ chưa hợp lý, hãy khéo léo gợi ý để họ đưa ra những cách giải quyết khác. Đôi khi, phương án của nhân viên đề xuất có thể không giống như bạn hình dung nhưng đừng vội đánh giá hoặc bác bỏ, hãy để họ giải thích và biết đâu bạn sẽ thấy họ có lý, thêm một ý tưởng hay để giải quyết công việc. Điều quan trọng là bạn cần đặt niềm tin ở nhân viên, và nhìn nhận một thực tế là các nhân viên có thể ra những quyết định không giống với quyết định của mình, miễn là quyết định đó mang lại hiệu quả.   

Chia sẻ với nhân viên về mục tiêu của doanh nghiệp 

Nhân viên cần phải hiểu những mục tiêu quan trọng nhất của doanh nghiệp để họ có một hướng đi rõ ràng. Bạn hãy đặt ra những mục tiêu cụ thể, có thể đo lường được và theo dõi được tiến độ thực hiện. Đồng thời, hãy chia sẻ với họ, không chỉ mục tiêu, mà cả tầm nhìn của doanh nghiệp, chỉ ra cho họ những triển vọng lạc quan về khả năng thực hiện các mục tiêu đó. Khi thấy được vai trò, nhiệm vụ của mình quan trọng như thế nào trong tổ chức, nhân viên của bạn sẽ tích cực, chủ động và có trách nhiệm hơn trong công việc. 

Trao quyền phải “đúng người, đúng việc”

Đây là một trong những nguyên tắc quan trọng để giúp việc giao quyền cho nhân viên đạt hiệu quả như mong muốn. Nói cách khác, trao nhiệm vụ tự quyết cho nhân viên phải dựa trên cơ sở đánh giá năng lực, sở trường và mục tiêu phát triển nghề nghiệp của họ. Giao “đúng người, đúng việc” sẽ giúp nhân viên phát huy tối đa thế mạnh của bản thân, tích cực, hào hứng với nhiệm vụ mới. Ngược lại nếu vì cảm tính, thiên vị hoặc đánh giá vội vàng mà trao quyền tự quyết cho một hay nhiều cá nhân không phù hợp, sự sai sót dễ dàng xảy ra và sẽ khó khăn hơn để giải quyết hậu quả. 

Có biện pháp quản lý, giám sát hiệu quả 

Sau khi trao quyền, đặc biệt trong thời gian đầu, bạn phải có biện pháp giám sát hiệu quả để hạn chế rủi ro nhưng đừng can thiệp quá sâu vào công việc của nhân viên. Giám sát còn có nghĩa là bạn sẽ sớm phát hiện đồng thời phải chấp nhận những sai sót của nhân viên và giúp đỡ họ khắc phục chúng một cách nhanh chóng. 

Kiều Giang